CÁC TIÊN TRI GIẢ

Đức Ki-tô nói: “Hãy coi chừng các tiên tri giả; họ tới với anh chị em như những con cừu (ngoan), nhưng thật ra là những chú sói dữ. Cứ nhìn vào kết quả tất sẽ nhận ra được họ. Có thế nào thu hoạch được nho từ bụi gai hay được vả từ cỏ gai? Cây tốt sinh trái tốt, cây xấu sinh trái xấu”. Nghe như một mệnh lệnh chống lại các giáo phái hoặc bè rối.

Cũng có thể như vậy. Trước hết, đó cũng là một quy luật đơn giản. Đó chính là thời của những triết gia lang thang, những lang băm, những nhà cứu tinh. Họ ai nấy đều hứa hẹn cứu khổ và vẽ ra con đường đúng, họ muốn làm đẹp con người, và xem ra muốn mang lại điều tốt cũng như điều đúng đắn, nhưng thật ra thường chỉ vì tư lợi. Họ là sói dữ, phá hoại.

 Đức Giê-su cảnh cáo ta trước những “lang băm cứu độ” đó. Ngài chỉ ra tiêu chuẩn để nhận định: Hãy xem chính các lang băm đó sống như thế nào? Họ thật sự là ai? Đâu là hoa trái họ tạo ra nơi họ và chung quanh họ? Cứ nhìn vào họ tất sẽ biết sự thật ra sao. Tiêu chuẩn thực dụng thời đó cũng đúng cho lịch sử ngày nay. Hãy nghĩ tới các nhà thuyết giảng cứu độ trong thế kỷvừa qua, từ Hitler cho tới các tay tổ cộng sản, họ xuất hiện và nói, đây là lúc chúng tôi mang tới cho các bạn điều thật sự đúng. Trong một cái nhìn nào đó, họ xuất hiện như những chú cừu ngoan, nhưng rốt cuộc là những tay phá hoại có tầm cỡ.

Nhưng không chỉ những tay tổ đó, mà cả những nhà thuyết giảng nhỏ, những tiên tri giả nữa. Họ mách với người ta là họ nắm chìa khoá trong tay, cứ việc làm theo, thì rồi bạn sẽ thành đạt nhanh, giàu nhanh, sẽ có ngay hạnh phúc.  Đức Giê-su yêu cầu ta phải biết phân biệt, phải coi chừng những lời hứa hẹn đó. Đừng để bị rơi vào tròng, nhưng hãy giữ đầu óc tỉnh táo, sáng suốt, đừng để rơi vào những phong trào xem ra tốt đẹp, nhưng rốt cuộc chỉ là trống rỗng hoặc phá hoại. Nhất là Ngài muốn chúng ta luôn phải tự hỏi, đâu là hằng số của lời Chúa, đâu là hoa trái thật.

Lời khuyên kia cũng đúng cho các phong trào trong Giáo Hội?

Hoa trái luôn là tiêu chuẩn để nhận định. Trong Giáo Hội, ta phải  để ý xem có phải người đó chỉ muốn rao giảng về họ, chỉ muốn ép ta theo quan điểm của họ mà thôi hay không. Hay họ là người khiêm nhu, muốn phục vụ đức tin của Giáo Hội, muốn trở thành kẻ phục vụ lợi ích chung, phục vụ lời Chúa.

Bài giảng trên núi còn có nhiều lời khuyên thiết thực khác. Tôi muốn nêu lên đây câu cuối cùng của bài giảng.  Đức Giê-su nói điều sau đây thật khó hiểu và lại càng khó theo: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những ai bách hại mình”. Và thêm, Thiên Chúa để cho “mặt trời chiếu sáng trên kẻ xấu và người lành, và Ngài để mưa xuống trên người công chính cũng như trên kẻ bất lương”.

Yêu kẻ thù quả thật là một bước mới và lớn. Ở đây, chẳng còn chuyện trả thù nữa. Ta cần nhìn ra khía cạnh người nơi kẻ thù, nhìn ra nơi họ khía cạnh thụ tạo của Chúa. Điều này không có nghĩa là khoanh tay mặc cho sự dữ tới với mình. Nhưng ta phải biết kính trọng con người trong chính hành động của mình. Nghĩa là cố gắng làm điều tốt cho cả kẻ thù, cố gắng đưa họ về đàng lành, rốt cuộc đưa họ hướng về Đức Ki-tô. Trong ý nghĩa đó, cầu nguyện cho họ vốn là một việc làm nền tảng, đó là một cách làm tốt cho họ. Khi ta muốn điều tích cực cho kẻ thù trước mặt Chúa, khi ta cố gắng cầu cho họ không còn là kẻ thù nữa, nhưng cho họ được thoát ra khỏi tư thế thù địch, thì lúc đó ta đã thay đổi từ thâm tâm cái nhìn về họ.

Trong thời cổ, người ta đã nói đến một Thiên Chúa độ lượng, Ngài muốn phân phát cho ngay cả kẻ xấu những món quà của tạo dựng. Nhưng thời đó người ta dùng hình ảnh này để nói lên phần nào sự dửng dưng của Thiên Chúa trước chuyện thiện ác. Và  Đức Giê-su đã nâng nó lên một bình diện khác, khi Ngài qua đó chỉ ra lòng tốt hải hà của Thiên Chúa là đấng muốn đưa mọi người vào đường thiện, muốn trao cho họ những cơ hội, muốn chăm sóc họ bằng điều tốt lành. Và cả khi Thiên Chúa có thể nói là trừng phạt ta đi nữa, thì Ngài cũng chỉ muốn cho ta trở nên quan tâm lắng nghe. Là Tạo hoá, Ngài không thể làm gì khác hơn là yêu thương những tạo vật của Ngài, và muốn cho chúng tìm ra con đường ngay lành. Mọi loại trả thù đều hoàn toàn xa lạ với suy nghĩ của Thiên Chúa.

Sau khi giảng dạy và khuyên răn, và người nghe dù đôi chút thấm mệt nhưng cũng cảm thấy hạnh phúc, vì hiểu rằng nguồn gốc và cùng đích cuộc đời mình không phải là thế gian này và cũng không dừng lại ở đây,  Đức Giê-su còn đưa ra bảo đảm cho những điều Ngài nói: “Ai nghe lời tôi dạy và làm theo, kẻ đó là người khôn, biết xây nhà trên đá”.

Còn những người khác xây nhà trên cát, và khi lũ lụt tới, chúng sẽ cuốn trôi tất cả. Nhà xây trên nền đá mới chắc chắn. Chỗ này cũng giống như đoạn phúc âm Gio-an mà ta đã nghe: Ai sống theo Tin Mừng, ai dám thử nghiệm theo nó, ai thật sự xây nhà trên lời Chúa, kẻ đó biết rằng mình đã chọn được một nền chắc chắn.

Tuy nhiên, ở đây còn có thêm một liên tưởng khác. Hình ảnh xây nhà trên đá làm ta nhớ đến lời Đức Ki-tô nói với Phê-rô, là Ngài sẽ xây nhà – Giáo Hội của Ngài – trên đá. Như thế, lời đó có thể đưa ta tới ý nghĩrằng ta không nên xây một mình. Ai chỉ muốn xây cuộc đời mình như là một chỗ trú ẩn riêng, thì người đó đã xa lìa nền đá. Xây dựng cuộc đời luôn có nghĩa là cùng xây. Cùng xây chung một căn nhà Chúa, dựa trên nền lời Ngài, và như vậy căn nhà sẽ chắc chắn tồn tại.

Có thể nói không cùng về cuộc đời, về chuyện nên nhìn đời ra sao, làm sao cho cuộc sống đơm hoa, được sống tự do, thoải mái và hứng thú. Nhà soạn kịch người Anh William Shakespeare, một tín đồ công giáo, đã sống cuộc đời ông hết mình. Tên các vở kịch của ông nghe ra như một bản lí lịch đầy biểu tượng, nào là “Ồn ào vô ích”, nào là “Chừng mực” cho tới “Kết cuộc tốt là mọi chuyện tốt”. Là nhà giáo dục giỏi, ông cuối cùng đã đưa ra một lời khuyên, xem ra như đây là kết tinh mọi nhận thức trần thế của ông: “Buy terms divine in selling hours of dross”, “Hãy mua lấy thời giờ của Chúa bằng cách bán đi những giờ u tối trần gian”.

Đó là một lời khôn ngoan mà người ta có thể chờ đợi nơi một nhân vật lớn. Thời giờ đã được sử dụng một cách tốt nhất là thời giờ đã biến thành cái tồn tại; là thời giờ ta nhận được từ Chúa và trả lại cho Ngài. Còn thời giờ không dính dáng gì tới Chúa chỉ là thứ thời gian vô bổ và chóng qua.